Tiếp thị mủ, gỗ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững

0

Tiếp thị mủ, gỗ cao su bền vững

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa ban hành Kế hoạch hoạt động Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững của Tập đoàn năm 2024. Theo đó, các hoạt động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của VRG trong năm nay, gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa chuỗi cung ứng; xanh hóa quy trình sản xuất; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm và nâng cao năng lực chống chịu.

Thu hoạch mủ cao su tại Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa - một trong những thành viên của VRG đang phát triển rừng bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch mủ cao su tại Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa – một trong những thành viên của VRG đang phát triển rừng bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

Để đẩy mạnh quá trình xanh hóa chuỗi cung ứng, VRG sẽ tăng cường tiếp thị sản phẩm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Trong năm 2023, dù xuất khẩu cao su đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tiêu thụ mủ, gỗ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững của VRG lại tăng trưởng tốt.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG, cho biết, trong năm qua, tổng sản lượng mủ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững mà Tập đoàn đã tiêu thụ đạt 76.312 tấn (năm 2022 là 48.100 tấn), tiêu thụ gỗ cao su thanh lý có chứng chỉ quản lý rừng bền vững cũng tăng mạnh và đạt 2.444 ha, gấp 7 lần so với năm 2022 (347 ha).

Một trong những đơn vị thành viên có nhiều diện tích gỗ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững được thanh lý thành công trong năm 2023 là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Trong năm qua, công ty đã thực hiện thanh lý gỗ cao su với diện tích 331 ha. Trong đó, 310 ha tham gia Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia (VFSC) tại Nông trường Trần Văn Lưu, hơn 3 ha tại Nông trường Thanh An và gần 18 ha tại Nông trường Minh Hòa tham gia Hệ thống giải trình trách nhiệm kiểm soát nguồn gốc DDS theo PEFC cho vườn cây cao su. Đến năm 2023, Cao su Dầu Tiếng có 8.000 ha tham gia VFSC và gần 20.000 ha tham gia DDS, chiếm toàn bộ diện tích cao su mà công ty quản lý.

Trong năm nay, VRG sẽ tiếp tục xây dựng một số kế hoạch hoạt động về tiếp thị sản phẩm có chứng nhận. Cụ thể là cung cấp danh sách các đơn vị thành viên của Tập đoàn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến khách hàng cao su mà Tập đoàn đang giao dịch, tích cực tham gia các hội chợ, các đoàn xúc tiến thương mại của chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội … Đồng thời, VRG đẩy mạnh quảng bá mủ, gỗ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến các tổ chức ANRPC, IRSG …

Sản phẩm mủ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững PEFC của VRG. Ảnh: Thanh Sơn.

Sản phẩm mủ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững PEFC của VRG. Ảnh: Thanh Sơn.

Bên cạnh đó, VRG phối hợp với Chương trình Chứng nhận chứng chỉ rừng  (PEFC) và Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCO) giới thiệu thêm các đơn vị thành viên đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững lên website của PEFC và VFCO, các kênh kết nối, giới thiệu từ tổ chức PEFC đến các khách hàng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mủ và gỗ cao su thiên nhiên có chứng nhận VFCS/PEFC.

Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ.

Đến cuối năm 2023, VRG có 32 công ty thành viên đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đạt 279.304 ha; 18 công ty thành viên được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng 118.337 ha và có 38 nhà máy (chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su) đạt PEFC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm).

Đẩy mạnh phát triển rừng bền vững

Cũng trong hoạt động xanh hóa chuỗi cung ứng, năm 2024, VRG tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển rừng bền vững.

Theo ông Trần Công Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG, trước hết, Tập đoàn xây dựng và thực hiện lộ trình tái kết nối với Hội đồng Quản lý Rừng (FSC). Tích cực làm việc với FSC, đơn vị tư vấn nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện hướng đến lộ trình tái kết nối với FSC, cụ thể hóa nội dung trong lộ trình, tính khả thi trong việc thực hiện các bước tiếp theo của Điều khoản tham chiếu (ToR) để có phương án và lộ trình thực hiện phù hợp.

VRG tiếp tục theo dõi và hỗ trợ các đơn vị đang triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững nhằm đáp ứng Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định về quản lý rừng bền vững; chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS/PEFC-FM và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC).

Mục tiêu đến cuối năm 2024, Tập đoàn có 40-45% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất tại Việt Nam đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC-FM) và 75-80% nhà máy chế biến mủ cao su tại Việt Nam đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC).

Bên cạnh đó, Tập đoàn khuyến khích các công ty tự triển khai thêm diện tích chưa thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững ngoài kế hoạch được Tập đoàn giao để hoàn chỉnh hệ thống quản lý; xây dựng và triển khai các giải pháp quảng bá, tiếp thị sản phẩm là mủ và gỗ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Một vườn cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Một vườn cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Tăng cường quảng bá rộng rãi kết quả thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm được sự thừa nhận của các đơn vị tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ có liên quan và nâng cao giá trị chứng chỉ đã đạt được. Phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền để giới thiệu, nâng tầm giá trị các chứng chỉ đến khách hàng trực tiếp sử dụng sản phẩm dịch vụ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Tập đoàn tiếp tục tập trung đeo bám và quyết liệt để đạt mục tiêu các đơn vị có chứng chỉ rừng bền vững được hưởng dịch vụ môi trường rừng theo Luật lâm nghiệp. VRG cũng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và tham mưu đề xuất hướng thực hiện về trữ lượng các bon cho rừng cây cao su Tập đoàn nhằm đánh giá trữ lượng các bon của rừng cây cao su để hướng tới thương mại hóa tín chỉ các bon trong tương lai. Đồng thời, VRG tiếp tục theo dõi các hướng dẫn về đạo luật chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR). Phối hợp với các bộ ngành để tham mưu đề xuất có kế hoạch hành động phù hợp với đạo luật này.

Ông Lê Thanh Hưng chia sẻ, VRG xác định thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững chính là đầu tư cho cơ hội ở tương lai, việc thực hiện các hoạt động xanh và bền vững cũng là các tiêu chí quan trọng giúp sản phẩm và thương hiệu Tập đoàn đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tạo ra các cơ hội phát triển mới cho Tập đoàn.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết và có hiệu lực, việc tuân thủ yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp sản phẩm của Tập đoàn có nhiều cơ hội hơn nữa trong thị trường xuất khẩu với các điểm cộng thể hiện tính “có trách nhiệm” như sản xuất xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.

Trong năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, Tập đoàn sẽ giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 2% so với định mức sử dụng năng lượng năm 2023 trong phạm vi hoạt động phát thải khí nhà kính của việc sử dụng năng lượng.

Việc giảm phát thải khí trong các hoạt động năng lượng thực hiện ở cả 2 nguồn năng lượng trực tiếp và gián tiếp. Nguồn trực tiếp: phát thải do sử dụng nhiên liệu trực tiếp trong sản xuất (dầu DO, gas LPG, gỗ, củi, than đá,…). Nguồn gián tiếp: phát thải do sử dụng năng lượng mua từ bên ngoài (điện năng, nhiệt năng…).

Leave A Reply

five × 5 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.