Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008-2018

0

Ngày 19/10/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, với sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008-2018”nhằm đánh giá những kết quả đạt được, xác định những tồn tại, khó khăn và thảo luận tìm ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động bộ máy Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng ngày càng đạt hiệu quả. Hội nghị do Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chủ trì.

Thứ rưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chủ trì Hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của 170 đại biểu từ các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện lãnh đạo các Sở NN&PTNT, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của 44 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (GIZ, CIFOR, VFD, UNDP…), các chuyên gia, tư vấn, các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ quan, báo chí, truyền thông.

Ngày 14/01/2008, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2008/NĐ-CP về thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng nhằm mục đích thu hút, vận động, tiếp nhận các nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ngày 15/11/2017, Quốc hội khóa 14 thông qua Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, tại Điều 95 quy định Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập. Và chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong nguồn tài chính quan trọng hình thành Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.

Sau 10 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (2008-2018) gắn với 8 năm triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã thực sự phát huy được vai trò quan trọng và là địa chỉ tin cậy trong việc huy động nguồn tài chính mới, ổn định, bền vững cho bảo vệ phát triển rừng, góp phần gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, giúp cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.

Toàn cảnh Hội nghị

Đến nay, toàn quốc đã có 44 tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; trong đó 38 Quỹ tỉnh đã ổn định bộ máy tổ chức. Các Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu trong việc thực hiện nhiệm vụ chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng từ bên sử dụng đến bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng; huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đến nay đạt hơn 10.000 tỷ đồng, bình quân trên 1.300 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm đã góp phần quản lý bảo vệ hơn 5 triệu ha rừng, chiếm khoảng 42% tổng diện tích rừng toàn quốc; góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các Công ty Lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho hơn 410 nghìn hộ gia đình, cộng đồng với 86% là đồng bào dân tộc có điều kiện nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay địa vị pháp lý, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng chưa được quy định rõ ràng do thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng còn các nhiệm vụ khác chưa được nghiên cứu, triển khai theo quy định tại Nghị định 05.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn đánh giá Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đang có tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh theo đúng trào lưu quốc tế và đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về lâm nghiệp. 10 năm hình thành và phát triển, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng từ trung ương đến địa phương là thành công lớn của quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, huy động hiệu quả, bền vững các nguồn lực xã hội cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp, giúp nâng cao trách nhiệm xã hội đối với tài nguyên rừng, nâng cao năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, tạo an sinh xã hội vùng sâu vùng xa. Trên cơ sở những ý kiến góp ý của đại biểu, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện nội dung tổng kết, đề xuất cơ chế, chính sách mới báo cáo lãnh đạo Bộ NN&PTNT. Và trong thời gian tới, hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cả nước cũng cần hoàn thiện các bộ công cụ quản lý về tài chính, đầu tư được cấp có thẩm quyền công nhận, ứng dụng công nghệ thông tin mới phục vụ cho công tác quản lý, điều hành Quỹ ngày càng minh bạch, hiệu quả; quan tâm sát sao đến nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền trồng rừng thay thế; triển khai nghiên cứu, khai thác tối đa tiềm năng của dịch vụ môi trường rừng từ các cơ sở có phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn trong nước đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ cac-bon và các nguồn lực quốc tế về chi trả dựa trên kết quả nhằm bảo vệ, phát triển rừng tốt nhất, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Nguồn: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam

 

Leave A Reply

two × 5 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.