USAID tài trợ 65 triệu USD cho thích ứng biến đổi khí hậu và chống buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam

0

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa ký kết 2 thỏa thuận hợp tác trị giá 65 triệu USD về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cả hai Thỏa thuận sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022 – 2027.

52142793231_f64ff0da8a_k.jpg
Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh ký thỏa thuận Dự án nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long

Dự án nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long có ngân sách dự trù lên tới 50 triệu USD, USAID sẽ hỗ trợ Bộ NN&PTNT giảm phát thải khí mêtan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho những cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng chính sách về chống chịu với khí hậu, phát thải thấp.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Sherman đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa USAID và Bộ NN&PTNT trong nỗ lực hỗ trợ người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải trong nông nghiệp. Bà Sherman nhấn mạnh, việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu phải là một nỗ lực tập thể và nỗ lực này cần bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ tăng cường khả năng chống chịu với môi trường đến giảm phát thải và bảo tồn đa dạng sinh học.

Song song với dự án này, hai bên cũng ký kết Dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, nhằm mục tiêu tăng cường năng lực lãnh đạo của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Các hoạt động cụ thể bao gồm: thúc đẩy cam kết của các lãnh đạo cấp trung ương và địa phương, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép. Dự án được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công từ Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ trong giai đoạn 2016-2021.

52142810393_689defa262_b.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Sherman phát biểu tại Lễ ký kết

Theo Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock, các chuyên gia đã dự báo, với tốc độ như hiện nay thì các loài động vật nguy cấp nhất và mang tính biểu tượng nhất của thế giới như tê giác, voi, tê tê và hổ sẽ biến mất khỏi hành tinh của chúng ta trong vòng vài thập kỷ tới. Thông qua dự án mới này, USAID sẽ hợp tác với Bộ NN&PTNT để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép và bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp.

Việt Nam vẫn là một trung tâm toàn cầu của các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và là quốc gia trung chuyển, nguồn và điểm đến trong chuỗi cung ứng của nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Dự án mới sẽ tập trung bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị buôn bán quốc tế vào Việt Nam như tê giác châu Phi, voi châu Phi và châu Á, tê tê, cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt và buôn bán trong nước và quốc tế như linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn. Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Mỹ) là đơn vị thực hiện dự án phối hợp cùng tổ chức TRAFFIC và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV).

“Việc thực hiện hiệu quả dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định.

Hai Thỏa thuận trên tiếp tục thể hiện vai trò của Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là khoản tài trợ lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm để triển khai các dự án trong hợp tác khoa học công nghệ ở các lĩnh vực kiểm soát dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn đa dạng sinh học…

Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường

Leave A Reply

five × 3 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.