Bảo vệ rừng, tính đường dài tham gia thị trường tín chỉ carbon

0

Cần có giải pháp thay đổi tư duy bảo vệ rừng, trồng rừng để không chỉ giữ được cảnh quan đô thị xanh mà còn tạo nền tảng tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Sáng 17/4, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Tỷ lệ che phủ rừng cao

Thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích rừng và diện tích đã trồng rừng gần 62.546ha, trong đó, diện tích rừng hơn 57.731ha. Với nỗ lực của toàn ngành, năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn thành phố tương ứng 44,67% (cao hơn toàn quốc là 42,02%).

Trong năm 2024, các lực lượng chức năng và các địa phương đã triển khai 738 đợt kiểm tra, truy quét tại rừng, trong đó tập trung tại các vùng giáp ranh; tổ chức 79 đợt kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị theo Quyết định 2778 của UBND thành phố Đã Nẵng đã tổ chức 133 đợt tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên các tuyến đường xung quanh Bán đảo Sơn Trà. Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ, an ninh lâm phận thành phố được giữ vững, không xảy ra cháy lớn, cháy lan.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu thay đổi tư duy phát triển rừng bền vững. Ảnh: Lan Anh.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu thay đổi tư duy phát triển rừng bền vững. Ảnh: Lan Anh.

Trong công tác PCCCR, năm 2024, lực lượng kiểm lâm thực hiện thông báo 21 bản tin dự báo cháy rừng từ cấp III-IV. Kiểm lâm địa bàn đã tham mưu UBND các phường, xã thành lập 19 tổ xung kích với thành viên là công chức, viên chức làm việc tại UBND cấp phường, xã và dân quân thường trực; 79 tổ quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, khu dân cư gần rừng, ven rừng với gần 1.400 người tham gia.

Chi cục thành lập đội phản ứng nhanh trong chữa cháy rừng với quân số 30 người chủ yếu là người dân sống gần khu vực rừng nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ phát lửa xảy ra trên địa bàn thành phố trong 6 tháng mùa khô, từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Trong năm, toàn thành phố xảy ra 9 vụ phát lửa, song không gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Hướng đến trồng rừng gỗ lớn

Năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng khoảng từ 45-47%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trồng rừng gỗ lớn tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: Lan Anh.

Trồng rừng gỗ lớn tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: Lan Anh.

Đối với công tác phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, toàn ngành sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục vận động trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn theo tinh thần Nghị quyết 254/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố và xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 254/2019/NQ-HĐND. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến gỗ thông qua việc hỗ trợ xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, các khu lâm nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ tại các vùng kinh tế trọng điểm; thực hiện các chương trình, dự án lâm sinh để làm giàu, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên.

Đặc biệt, nỗ lực thực hiện kế hoạch của UBND thành phố triển khai thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu đến hết năm 2025, toàn thành phố trồng được hơn 5 triệu cây xanh tập trung và phân tán các loại. Ngoài ra, tập trung các giải pháp để quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng.

Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn tới, khi Đà Nẵng và Quảng Nam sáp nhập, trở thành địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước, sẽ đặt ra nhiều yêu cầu và thay đổi mới. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời ứng dụng các phương thức, phương tiện tuyên truyền hiện đại, phù hợp. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học – kỹ thuật vào công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các vấn đề liên quan đến rừng; đầu tư trang thiết bị, phương tiện để đảm bảo hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ.

Lực lượng chức năng tại Đà Nẵng diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Lan Anh.

Lực lượng chức năng tại Đà Nẵng diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Lan Anh.

Ông Cường cũng nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp giữa các lực lượng như kiểm lâm, công an, quân sự… trong bối cảnh mới khi không còn cấp huyện, nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, cơ chế liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phù hợp với tình hình mới sau sáp nhập. Trong đó, đặc biệt chú trọng thay đổi tư duy phát triển rừng bền vững, thay thế dần các mô hình trồng keo lá tràm kém hiệu quả bằng những loài cây phù hợp hơn.

“Phát triển và bảo vệ rừng không phải là việc của riêng ai, không phải cứ ngồi họp mới làm, mà ở đâu, lúc nào cũng cần có trách nhiệm với rừng. Chúng ta cần thay đổi thói quen trồng rừng, để không chỉ giữ được cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp, mà còn tạo nền tảng tham gia thị trường tín chỉ carbon, hiện thực hóa mục tiêu Net Zero,” lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Leave A Reply

nine − 7 =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.