Động lực để người dân Nậm Pồ giữ rừng

0

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đang trở thành động lực quan trọng giúp người dân huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều địa phương trong huyện đã có chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

Với độ che phủ rừng đạt hơn 64%, Chà Nưa được xem là điểm sáng của huyện trong công tác bảo vệ rừng. Mỗi năm, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã được nhận tiền chi trả DVMTR với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Nhờ nguồn thu ổn định này, người dân dần hiểu rằng giữ rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn giúp giữ nước, giữ đất, chống xói mòn, hạn hán.

Người dân nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Trần Hương.

Người dân nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Trần Hương.

Ông Lèng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chà Nưa, cho biết: Người dân xã Chà Nưa không chỉ bảo vệ rừng, mà còn chủ động trồng rừng mỗi năm để nâng cao độ che phủ rừng. Nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân còn đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập.

Đồng thời, người dân tích cực tham gia các tổ, nhóm tuần tra rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng. Nhiều cộng đồng thôn, bản đã xây dựng quy ước, cam kết bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm và chính quyền cơ sở. Mô hình khoán bảo vệ rừng, gắn với chi trả DVMTR không chỉ góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng, mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Bà Thùng Thị Tiện, ở bản Nà Ín là một trong những hộ gia đình, điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tiền chi trả DVMTR để phát triển kinh tế. Trước đây, cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào nương lúa, nương ngô nhưng hiệu quả không cao. Từ khi được hưởng chính sách DVMTR, bà Tiện đã mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi lợn thịt. Nhờ sử dụng nguồn tiền DVMTR để đầu tư, học hỏi kỹ thuật, mô hình chăn nuôi của gia đình bà hiện mang lại thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Chính sách chi trả DVMTR nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân. Ảnh: Trần Hương.

Chính sách chi trả DVMTR nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân. Ảnh: Trần Hương.

Không được nhận mức chi trả DVMTR cao như Chà Nưa, nhưng người dân xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ rừng. Với tỷ lệ che phủ rừng chỉ khoảng 30%, mỗi hộ dân chỉ nhận khoảng một triệu đồng/năm sau khi trừ các khoản chi cộng đồng. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ dù nhỏ vẫn tạo động lực để người dân Vàng Đán nâng cao ý thức, đồng hành cùng chính quyền giữ gìn và phục hồi rừng.

Chính sách chi trả DVMTR đang phát huy hiệu quả tại Nậm Pồ, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái mà còn mang lại sinh kế bền vững, từng bước thay đổi tư duy và hành động của người dân miền núi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Chính sách này cũng góp phần tạo lập cơ chế tài chính ổn định, lâu dài để bảo vệ và phát triển rừng, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Khi thấy rõ lợi ích thiết thực từ rừng, người dân sẽ chủ động tham gia bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng.

Leave A Reply

19 − ten =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.