Bình Định hiện có hơn 415.724ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng hơn 345.580ha, gồm hơn 214.543ha rừng tự nhiên và hơn 131.036ha rừng trồng, còn lại là diện tích rừng mới trồng chưa thành rừng và đất chưa có rừng.
Những năm qua, ngành kiểm lâm Bình Định đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động giám sát, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, công tác theo dõi, quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được nâng cao, đặc biệt là kịp thời phát hiện sớm hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Theo ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm Bình Định đã sử dụng phần mềm FRMS do Bộ NN-PTNT triển khai để cập nhật diễn biến rừng, hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến FireWatch Việt Nam của Cục Kiểm lâm, phần mềm v5PFES để xác định diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng, áp dụng các phần mềm GIS cài đặt trên máy tính và trên thiết bị di động như: Qgis, mapinfo, global mapper, Vtool, geopfes…
Nhờ đó, công tác quản lý rừng được nâng cao, ngành chức năng cập nhật kịp thời biến động của rừng, thuận lợi theo dõi hiện trạng rừng qua hình ảnh từ vệ tinh, thu thập số liệu chính xác để giám sát tình hình phát triển rừng tốt hơn.
Theo ông Trần Trọng Toàn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), việc ứng dụng các phần mềm chuyên dụng đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. “Các số liệu xác định diện tích rừng, khoanh vẽ các lô, khoảnh, tiểu khu rừng… được số hóa dữ liệu đồng bộ trên hệ thống. Khi tuần tra rừng, lực lượng kiểm lâm huyện sử dụng máy định vị GPS hoặc mở phần mềm cài đặt trên điện thoại là có thể xác định ngay vị trí cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép”, ông Toàn cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn (Bình Định), ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bảo vệ rừng còn giúp lực lượng kiểm lâm địa bàn kiểm tra hiện trạng rừng thuận lợi hơn, tiết kiệm được thời gian, nhân lực. Thông qua các phần mềm cập nhật ảnh vệ tinh theo dõi diễn biến rừng cũng như cảnh báo sớm cháy rừng, kiểm lâm Tây Sơn đã kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện để xử lý.
“Ví như vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng ở mức cao, phần mềm theo dõi cháy rừng trực tuyến FireWatch Việt Nam sẽ cảnh báo và phát hiện cháy rừng. Dựa trên phân tích số liệu, thu nhận hình ảnh qua ảnh vệ tinh địa điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, hoặc địa điểm nghi cháy rừng, chúng tôi tiếp cận chính xác vị trí cảnh báo để triển khai giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, góp phần hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất”, ông Ơn chia sẻ.
Theo ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong ngành kiểm lâm, thời gian tới, ngành chức năng Bình Định sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và cảnh báo nguy cơ cháy rừng để phát hiện sớm biến động rừng, cháy rừng.
Đồng thời nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống máy vi tính, mạng internet chất lượng cao; mua sắm các trang thiết bị, phương tiện hiện đại như flycam phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra rừng…
“Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu Sở NN-PTNT Bình Định trình UBND tỉnh đầu tư kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các đơn vị có liên quan trong chuyển đổi số”, ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết.