Đây là kết quả nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình “Bảo tồn loài Voọc chà vá chân nâu và sinh cảnh sống của loài” đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tiếp nhận tại số 569/QĐ-UBND giao cho Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) thực hiện.
Báo cáo tại buổi công bố, ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học (Green Việt) cho biết, kết quả nghiên cứu được dựa trên phương pháp khảo sát tuyến và phương pháp quan sát-thu dữ liệu. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 4 tuyến với tổng chiều dài 139 km tại 150 điểm trên bán đảo Sơn Trà với tần suất một tuyến lặp đi lặp lại 3 lần từ 2-4 km theo đường chim bay.
Sau khi khảo sát và thu số liệu, nhóm tiến hành tổng hợp và phân tích số liệu dựa trên các thông số: Số cá thể/1 km2; số đàn trên 1 km2 và số lượng cá thể trong một đàn. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được 1.335 cá thể Voọc chà vá chân nâu tương ứng với 237 đàn.
Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng cho rằng, Sơn Trà được xem như khu vực có mật độ quần thể Voọc chà vá chân nâu cao nhất trên thế giới. Trong khi theo báo cáo trước đây của tổ chức bảo tồn linh trưởng thế giới, tại Sơn Trà chỉ có khoảng 300-350 cá thể Voọc chà vá chân nâu.
Việc cập nhật kết quả nghiên cứu về số lượng, sự phân bố và mật độ quần thể Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà một cách chính xác và khoa này sẽ là cơ sở để TP. Đà Nẵng và các ban ngành chức năng đưa ra giải pháp cần thiết nhằm bảo tồn loài tại Sơn Trà trong tình trạng bị tác động mạnh bởi nhiều mối đe dọa như hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra giải pháp nhằm bảo vệ loài Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà như: Tăng cường sự giám sát hoạt động của du khách tại các trạm gác các điểm ra-vào bán đảo Sơn Trà nhằm giám sát và giảm thiểu hoạt động bẫy bắt, săn bắn. Đồng thời dừng và loại bỏ các dự án phát triển nằm trong vùng phân bố quan trọng của Voọc ở phía bắc bán đảo Sơn Trà. Chú trọng hoạt động nâng cao nhận thức cho du khách trong việc ứng xử với động vật hoang dã trên bán đảo.
Về lâu dài, Đà Nẵng cần phối hợp với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thực hiện chương trình giám sát, theo dõi biến động và tình trạng phân bố của quần thể Voọc theo chu kỳ 6 tháng/1 đợt. Phục hồi các sinh cảnh sống của Voọc nhằm bảo đảm môi trường sống, thức ăn, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của loài.
Nguồn: chinhphu.vn