Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14

0

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Khóa XI ngày 03 tháng 12 năm 2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2005 (Luật BV&PTR 2004) là khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các hành vi xã hội theo mục tiêu phát triển lâm nghiệp nhanh, bền vững trong sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Luật đã góp phần quan trọng tạo môi trường phát triển toàn diện có ý nghĩa sâu sắc, căn bản chuyển nền lâm nghiệp nhà nước là chủ yếu, sang lâm nghiệp xã hội với đa dạng hóa các hình thức chủ rừng; diện tích rừng từ 12,306 triệu ha với tỷ lệ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên 14,377 triệu ha và tỷ lệ phủ rừng 41,45% vào năm 2017; sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 18 triệu m3, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt trên 8 tỷ đô la Mỹ; đời sống người làm lâm nghiệp được nâng cao một bước.
Trước yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị hiệu quả ngành kinh tế – xã hội lâm nghiệp bền vững; thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng, Hiến pháp năm 2013; đồng thời tiếp tục hội nhập sâu, rộng hơn, cùng với thực hiện vận hành cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ môi trường, quốc phòng, anh ninh quốc gia, ngày 29/7/2016, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 22/2016/QH14 giao Chính phủ tổ chức xây dựng dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).
Sau hơn 1 năm nỗ lực xây dựng dự án Luật, ngày 15 tháng 11 năm 2017, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 thay thế Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004. Luật Lâm nghiệp có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật BV&PTR năm 2004. Đây là luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân, đặc biệt những người làm nghề rừng.
Nhằm phổ biến, tuyên truyền, đưa Luật Lâm nghiệp sớm đi vào đời sống xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn tài liệu “Luật Lâm nghiệp: Những nội dung cơ bản”.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc!

Bản Tiếng  Việt:VN-In sach luat 7-3_

English version: Luat Lam Nghiep_2018-11-21

Nguồn: Dự án Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng
sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam, GIZ.

 

 

Leave A Reply

11 + nineteen =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.