Hội nghị lần thứ 24 của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP24) kết thúc tối 15/12 với sự thông qua của Bộ quy tắc hiện thực hóa Thỏa thuận chung Paris. Sau hơn 3 năm đàm phán, lãnh đạo 200 quốc gia cuối cùng cũng phần nào tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, không phải ai cũng trở về từ hội nghị trong tâm thế vui mừng. Người dân tộc thiểu số và thổ dân da đỏ – nhóm người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH do lối sống du mục dựa vào thiên nhiên – ấp ủ lo lắng về việc chính sách quốc gia không đủ mạnh để đẩy lùi hiện tượng thiên tai và sự nóng lên toàn cầu.
Từ lâu, người dân tộc thiểu số đã cảm thấy tiếng nói của họ không được tôn trọng đúng mức tại các cuộc đàm phán quốc tế về thiên nhiên, môi trường và BĐKH. Mặc dù có quyền xây dựng chính phủ độc lập tại đặc khu tự trị, người bản địa Mỹ vẫn không được LHQ chính thức công nhận trong các cuộc đàm phán mà chỉ đóng vai trò quan sát viên như các tổ chức phi chính phủ.
Phái đoàn nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam cũng không hề có sự góp mặt của đại diện các dân tộc thiểu số. Thêm nữa, vì điều kiện tiếp cận với thị trường của đồng bào dân tộc còn hạn chế kèm với những bất cập trong hệ thống giáo dục, giao thông vận tải… nên đa số nhiều người chỉ biết đến nghề làm nông tại địa phương mà không có cơ hội buôn bán để kiếm thêm thu nhập.
Từ ngày kí kết Thỏa thuận Paris, nhiều người dân tộc thiểu số đã không hài lòng với việc ảnh hưởng của BĐKH lên những cộng đồng này chỉ được lướt qua trong mục mở đầu của Thỏa thuận.
“Thỏa thuận Paris thật sự chỉ là một hiệp ước thương mại”, ông Tom Goldtooth, Giám đốc điều hành mạng lưới Người bản địa vì môi trường (IEN) cho hay. “Nó thật sự không có ảnh hưởng mấy đến đời sống của người dân”.
Ông Goldtooth đưa ra ví dụ là chương trình mua bán phát thải – một điểm nhấn của Bộ quy tắc Thỏa thuận chung Paris. “Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu và nhận ra rằng các chương trình mua bán phát thải không cắt giảm khí thải tại nguồn”, ông Goldtooth nhấn mạnh. “Chúng tôi trò chuyện với các cộng đồng sinh sống tại những điểm nóng độc hại như Richmond, California – tại đây, nhà máy lọc dầu Chevron đã năm này qua năm khác thải ra các hoá chất gây bệnh nhưng họ không phải chịu trách nhiệm vì đã mua đất rừng Amazon (với cây xanh hấp thụ khí carbonic) để bù đắp lượng khí thải ra.
Nhiều lời hứa được đưa ra nhưng không được thực hiện. “Tôi đã ngán ngẩm cảnh chờ đợi các đàm phán viên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau”, bà Hindou Ibrahim, đại diện người dân bản địa xứ Chad lên tiếng.
Ông Goldtooth đặc biệt lo ngại về ảnh hưởng của các tập đoàn năng lượng hoá thạch khổng lồ lên quyết định của các chính trị gia và kết quả các cuộc đàm phán. “Gốc rễ ở đây là chủ nghĩa tư bản – nền kinh tế toàn cầu bao nhiêu năm chỉ dựa trên sự khai thác đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bóc lột người dân bản địa”, ông nói.
“Về phần chúng tôi, chúng tôi chỉ muốn đấu tranh để bảo vệ Mẹ Thiên Nhiên”, ông Goldtooth khẳng định. “Chúng tôi có một sự tôn trọng dành cho Mẹ. Kiến thức truyền thống của tôi cho tôi biết rằng thế giới đang khai thác quá nhiều, tiêu thụ quá nhiều”.
Kiến thức truyền thống mà ông Goldtooth nói đến hay còn gọi là kiến thức bản địa bao gồm kho tàng thông tin được truyền miệng từ bao đời của người dân tộc thiểu số về cách sinh sống hoà hợp với thiên nhiên xung quanh.
Một diễn biến mang tính tích cực hơn tại COP24 là việc các quốc gia đồng ý dựng nên Chương trình thảo luận về giá trị của kiến thức truyền thống với diễn đàn mới sắp được đưa vào hoạt động mang tên Diễn đàn Các cộng đồng địa phương và người bản địa (LCIP). Kế hoạch hoạt động của LCIP cùng những mục tiêu cụ thể sẽ được quyết định bởi nhóm lãnh đạo bao gồm đại diện người bản địa, người dân tộc thiểu số và chính quyền quốc gia. Theo kế hoạch hiện tại, nhóm này sẽ họp một năm hai lần. Việt Nam chưa có kế hoạch cụ thể về việc đóng góp cho diễn đàn hay nhóm lãnh đạo.
Tuy công nhận việc hiện thực hóa LCIP là một diễn tiến rất đáng được hoan nghênh, ông Goldtooth vẫn còn nhiều lo ngại. “Mặc dù họ đã dựng nên các diễn đàn này, nhiều quốc gia muốn giới hạn kiến thức bản địa trong phạm vi ứng phó với BĐKH”, ông nói.
“Nhưng thông điệp chúng tôi muốn đưa ra không phải chỉ vậy”, ông Goldtooth nhấn mạnh. “Thông điệp chúng tôi đưa ra là nếu các quốc gia không mau chóng giảm khí thải nhà kính, chà đạp lên mẹ thiên nhiên thì việc giải quyết hậu quả sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Cần phải có sự thay đổi từ gốc rễ”.
Nguồn: thiennhien.net