Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép

0

Siết chặt quản lý, xử lý hình sự vi phạm

Đồng Nai có diện tích rừng tự nhiên lớn, với hơn 172.000 ha rừng, là một trong những tỉnh có đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực Đông Nam Bộ.

Cụ thể gồm các hệ sinh thái đặc trưng vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn, sông hồ; các loại động, thực vật với nhiều nguồn gen phong phú về số lượng, thành phần; đặc biệt là các loài động thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới.

Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, nhờ đó mang lại hiệu quả tích cực, so với trước đây giảm nhiều số vụ vi phạm. Ảnh: SVW cung cấp,

Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, nhờ đó mang lại hiệu quả tích cực, so với trước đây giảm nhiều số vụ vi phạm. Ảnh: SVW cung cấp,

Trên địa bàn tỉnh, các loài động vật hoang dã chủ yếu sinh sống ở Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai có hơn 1.800 loài động vật, trong đó có trên 140 loài nguy cấp, quý, hiếm; 22 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, nhiều loài động vật được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam, như voi, báo gấm, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám…

Vườn quốc gia Cát Tiên cũng có hơn 1.500 loài động vật, trong đó có 113 loài nguy cấp quý hiếm, hơn 40 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trong nước và trên toàn cầu, như voi, bò tót, gấu ngựa, chà vá chân đen, tê tê, trong số đó có 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiên Long, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên chia sẻ: “Trong những năm gần đây, hiện tượng săn bắn động vật rừng vẫn còn xảy ra, đặc biệt tình trạng một số nhóm đối tượng sử dụng súng để săn bắn động vật rừng vẫn còn là nỗi nhức nhối của lực lượng kiểm lâm. Số lượng bẫy thú rừng được lực lượng tuần tra phát hiện cũng còn khá nhiều”.

Theo ông Long, hiện nay Vườn cũng đã đưa ra các giải pháp để tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm săn bắt trái phép. Đồng thời, lực lượng hạt kiểm lâm Vườn cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng tham gia tuần tra bảo vệ rừng và tố giác thông tin vi phạm, ứng dụng KHCN vào giám sát đặc biệt tại những khu vực “điểm nóng” thường xuyên có khả năng vi phạm cao.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai tái thả động vật hoang dã từ săn bắt trái phép trở lại rừng. Ảnh: Minh Sáng.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai tái thả động vật hoang dã từ săn bắt trái phép trở lại rừng. Ảnh: Minh Sáng.

Đồng Nai là địa phương có chủ trương đóng cửa rừng sớm nhất trong cả nước (từ năm 1997), nhờ thế công tác quản lý bảo về rừng cũng sớm được tăng cường. Qua đó đã phát hiện được gần 100 vụ săn bắt động vật rừng trái phép, trong đó nhiều vụ đã đưa ra xử lý hình sự. Đặc biệt, thủ đoạn mua bán động vật hoang dã cũng ngày càng tinh vi hơn.

Do đó, chuỗi hoạt động lần này của tỉnh Đồng Nai nhằm tăng cường tuyên truyền phát động “nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”. Qua đó, vận động sự tham gia của chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức của người dân bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã. Đồng thời siết chặt quản lý, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trái phép trên địa bàn.

Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân

Thực tế công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều biến chuyển tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế như ý thức bảo vệ động vật hoang dã của một số người dân chưa cao, tiến hành các hoạt động nhỏ lẻ vào rừng để săn bắt, có người còn tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, thậm chí gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm. Công tác kiểm tra, kiểm soát gặp khó khăn do một số đối tượng sử dụng mạng xã hội để buôn bán động vật hoang dã.

Một cá thể tê tê java đã được tái thả về 'nhà' sau khi cứu hộ thành công. Ảnh: SVW cung cấp,

Một cá thể tê tê java đã được tái thả về “nhà” sau khi cứu hộ thành công. Ảnh: SVW cung cấp,

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, từ năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã xử lý vi phạm hành chính và hình sự 95 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, qua đó tịch thu 1.200 cá thể, hơn 43 kg sản phẩm động vật rừng các loại. Cùng thời gian trên, Đồng Nai đã tiếp nhận chăm sóc, cứu hộ và thả, tái thả hàng nghìn cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai Cổ Tấn Huy khẳng định, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng gây nuôi nhập động vật trái phép từ tự nhiên.

Đề cập đến thực trạng nhiều động vật quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) nhận định, có rất nhiều động vật quý hiếm đang dần bị tuyệt chủng hoặc mất dần, đơn cử như loài kỳ lân châu Á (sao la) đã hơn 10 năm không tìm thấy trong rừng. Nguyên nhân chính của sự tuyệt chủng một số động vật hoang dã là do con người cho rằng một số động vật quý hiếm có thể làm thuốc chữa bệnh, nuôi làm cảnh hay đồ trang trí nên đã nảy sinh việc săn bắt chúng để buôn bán, vận chuyển hay nuôi nhốt.

“Hiện nay có rất nhiều công nghệ như cài app, camera, hay thiết bị tầm nhiệt… có thể ứng dụng trong việc tuần tra bảo vệ rừng, cũng như giám sát đa dạng sinh học từ đó giúp cho mọi người có thể đánh giá và đưa ra kế hoạch tuần tra bảo vệ hiệu quả hơn”, ông Thái nói.

“Thế giới xấu đi không phải do người xấu mà chính là do những người tốt không hành động. Do vậy, hy vọng cả những người không sử dụng động vật hoang dã thì cũng phải cùng lên tiếng để làm sao những người đang sử dụng động vật hoang dã sẽ cảm thấy không còn sự hứng thú, hay tự hào khi sử dụng động vật hoang dã. Từ đó họ sẽ thay đổi quan điểm của mình để các loài động vật hoang dã được an toàn”, ông Nguyễn Văn Thái chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thái kiểm tra một cá thể tê tê được cứu hộ từ săn bắt, buôn bán trái phép. Ảnh: SVW cung cấp,

Ông Nguyễn Văn Thái kiểm tra một cá thể tê tê được cứu hộ từ săn bắt, buôn bán trái phép. Ảnh: SVW cung cấp,

Theo ông Thái, qua khảo sát cộng đồng người dân ở một số tỉnh thành ở miền Trung Tây Nguyên cho thấy số lượng người nói không với sử dụng động vật hoang dã tăng lên rất nhiều sau chuỗi phát động. Đến nay, chuỗi chiến dịch này tiếp tục triển khai ở Đồng Nai nhằm giúp mọi người có thêm thông tin, kiến thức về động vật hoang dã hiểu rõ được thực trạng và giá trị của nó để cùng chung tay hành động.

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: “Những năm qua, các đơn vị trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và nơi cư trú động vật rừng, ngăn chặn hiệu quả tình trạng săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã; bảo tồn được các loài động vật hoang dã, đặc biệt là đàn voi châu Á, voọc chà vá chân đen, giám sát bằng bẫy ảnh đánh giá bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm”.

Theo ông Lê Văn Gọi, các đơn vị trong tỉnh hiện đang tiếp tục triển khai các dự án cải tạo sinh cảnh cung cấp nước uống, muối khoáng cho động vật hoang dã; xây dựng trung tâm cứu hộ gấu, linh trưởng. “Đồng Nai đã và đang tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, nhờ đó mang lại hiệu quả tích cực, so với trước đây giảm nhiều số vụ vi phạm trong những năm qua. Tuy vậy, tỉnh Đồng Nai vẫn quyết tâm nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”, ông Gọi khẳng định.

“Sau chuỗi khởi động này, đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai những hoạt động như tăng cường thực thi pháp luật trong phòng, chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép; truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh ăn uống về việc không săn bắt, mua bán, sử dụng động vật hoang dã trái phép; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven rừng, giảm thiểu sự tác động trái phép của người dân vào rừng”, ông Lê Văn Gọi khẳng định.

Leave A Reply

three × three =

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.