ĐĂK LĂK – Yok Đôn, vườn quốc gia duy nhất Việt Nam bảo tồn rừng khộp đang vào mùa rụng lá khô, là điểm săn ảnh chim lý tưởng.
Ảnh: Ngô Vũ Thắng
Vườn Yok Đôn mùa này như thể “châu Âu mùa lá rụng” khi đi qua các thảm rừng khộp dọc đường liên khu trạm 5 và trạm 2. Trong VQG có hơn 12 trạm kiểm lâm nên công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng luôn được quan tâm. Ngoài ra, các kiểm lâm nơi đây còn chú trọng công tác đề phòng cháy lá rừng trong mùa khô.
Không giống các khu rừng nhiệt đới, rừng thường xanh, rừng rậm hay rừng ngập mặn, Yok Đôn là rừng khộp duy nhất còn lại ở Việt Nam, có mùa xanh và mùa rụng lá như rừng ôn đới. Theo nhân viên kiểm lâm tại vườn, chữ “khộp” được đọc từ tiếng Lào, nghĩa là “khổ, nghèo”, rừng khộp “nghèo” dinh dưỡng đất nên cây không lớn, tán không rậm và vào mùa khô thì cây trút lá để giảm thiểu tiêu hao năng lượng.
Ảnh: Võ Rin
Tháng 12 đến tháng 2 hàng năm, rừng nhuộm lá vàng rực, rồi đến tháng 3, từng lớp lá khô rụng phủ xuống mặt đất và mãi cho đến tháng 5, khi mùa mưa bắt đầu, cây nơi đây mới đâm chồi xanh trở lại. Theo số liệu thống kê, hệ động vật tại Yok Đôn có hơn 450 loài, gồm 89 loài động vật có vú, 305 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, hàng trăm loài cá nước ngọt và hàng ngàn loài côn trùng.
Ngắm cảnh rừng mùa lá rụng và tìm hiểu các loài chim nằm trong số các hoạt động du lịch sinh thái phổ biến nhất, với 500.000 đồng/người/ tour 3 tiếng.
Theo ban quản lý, VQG Yok Đôn có khu hệ chim phong phú, là đối tượng yêu thích của các nhiếp ảnh gia yêu thiên nhiên. Các loài đặc trưng là gõ kiến xanh hông đỏ, vẹt ngực đỏ, sả rừng, phường chèo nhỏ, sáo nâu, yến mào, te vặt cho tới các loài chim nước quý hiếm như ngan cánh trắng, quắm lớn hay hạc cổ trắng.
Anh Võ Rin cho biết để ngắm nhìn được nhiều loài chim, du khách nên chọn thời điểm giữa tháng 2 đến cuối tháng 4, cao điểm của mùa khô. Cây rừng rụng hết lá để chống chọi với thời tiết hanh khô của Tây Nguyên, do đó việc quan sát và chụp ảnh chim dễ dàng hơn.
Ảnh: Ngô Vũ Thắng
Yến mào (chim trống) đang chăm con mới nở được hai tuần tuổi tại vườn Yok Đôn. Loài chim này có kích thước nhỏ, thân dài khoảng 20 cm, chim trống có mặt và phần cổ trên màu nâu nhạt nổi bật, có mào dựng và cánh dài màu xám. Chim mái giống chim trống nhưng không có phần màu nâu nhạt trên mặt và cổ họng. “Mùa yêu” của các cặp yến mào là những khoảnh khắc được các nhiếp ảnh gia canh chụp.
Ảnh: Võ Rin
Một trong những loài hiếm ở vườn Yok Đôn là hạc cổ trắng, có sải cánh 75 – 91 cm, nhỏ hơn một chút so với các loài khác trong họ Hạc. Chim có đỉnh đầu màu đen, cánh và thân đen bóng tương phản với cổ trắng, mỏ đen với đầu mỏ màu đỏ đậm. Đây là loài định cư, sống ở vùng sình lầy, đất ngập nước và ven rừng, nhưng chỉ ở nơi trống trải.
“Loài này nhát người, muốn chụp phải dậy thật sớm, hơn 4h sáng là tôi di chuyển vào bãi chúng thường ăn, ngụy trang kỹ và chờ trời sáng lúc chim đi ăn mới chụp được. Bức ảnh trên tôi chụp khi chim ăn xong và lượn quanh bãi ăn ở tầng thấp”, anh Võ Rin, nhiếp ảnh gia đã chụp 405 loài chim tại Việt Nam, chia sẻ.
Ảnh: Võ Rin
Diều hoa Miến Điện là loài định cư phổ biến tại Yok Đôn, sải cánh 51 – 71 cm. Chim thường đậu cao trên các cây khô và khi sà xuống đất thì ve vẩy đuôi từ bên này sang bên kia, sinh cảnh ở các vùng rừng núi, có chỗ tới độ cao gần 2.500 m và làm tổ từ tháng 1-10.
“Buổi trưa tôi quan sát thấy chim đậu trên cây khá cao, đến 15h thì gặp lại và lần này nó đậu ở nhánh cây thấp khá lâu, quay phần lưng so với hướng ống kính máy ảnh trong ôtô, cách vị trí nó đậu khoảng 6 m. Không bỏ lỡ cơ hội này, tôi chụp ngay”, anh Võ Rin kể.
Ảnh: Nguyễn Thùy Linh
Một trong những loài chim ấn tượng ở Yok Đôn là hù trán trắng. Đây là loài cú nhỏ, thân dài khoảng 20 cm, săn mồi ban ngày. Chim có lông mày trắng rậm, lòng mắt vàng nổi bật, thân trên màu xám nâu với nhiều điểm trắng và thân dưới trắng với nhiều sọc nâu trên ngực.
Nhiếp ảnh gia Thùy Linh cho biết khi quan sát thấy con hù trán trắng đậu trên nhánh cây, gặp gió mạnh đung đưa cành nên chim vụt bay đi. Cô may mắn lia máy chụp được khoảnh khắc này.
Ảnh: Võ Rin
Sả rừng, loài phổ biến trong vườn Yok Đôn. Chim trưởng thành có sải cánh 17 – 20 cm. Tại Việt Nam, loài này còn phân bố ở rừng Mã Đà (Đồng Nai), VQG Cát Tiên (địa phận Tân Phú, Đồng Nai), VQG Tràm Chim (Đồng Tháp) và rừng ngập mặn Cần Giờ (TP HCM).
Ảnh: Ngô Vũ Thắng
Các nhiếp ảnh gia chia sẻ, du khách muốn xem và săn ảnh chim phải thức dậy sớm chuẩn bị hành trang và sẵn sàng vào 5h30, thời điểm ngắm chim tốt nhất trong ngày.
Yok Đôn có 17 loài gõ kiến, gồm loài gõ kiến xanh hông đỏ (chim trống). Đây là loài có kích thước lớn trong nhóm gõ kiến, thân dài tới khoảng 33 cm. Chim mái có đầu đen với sọc dài xuống đến gáy, cổ và hai bên gáy màu vàng chanh. Chim trống tương tự chim mái nhưng có mảng đỏ trên đỉnh đầu. Loài này thường kiếm ăn gần gốc cây, hốc đất để tìm mối.
Ảnh: Nguyễn Thùy Linh
Thùy Linh, nhiếp ảnh gia sinh năm 1991, chia sẻ rằng chụp loài chim này khá vất vả, muốn có ảnh đẹp không dễ vì kích thước của chúng nhỏ và tốc độ di chuyển nhanh khi tìm mồi dọc thân cây. Vì thế người chụp phải cầm máy trên tay di chuyển nhanh theo nó.
Ảnh: Võ Rin
Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình 200 m so với mặt biển, tại km38 tỉnh lộ 1, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về phía bắc.
Trong những năm qua, cùng với công tác quản lý, bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học, VQG Yok Đôn còn tổ chức nhiều hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Các dịch vụ phổ biến là trải nghiệm với voi, cắm trại, ngắm chim, đi bộ, đạp xe dưới tán rừng khộp hay đi thuyền trên sông Sêrêpôk ngắm núi rừng, muông thú. Ngoài ra, du khách có thể tới các buôn làng ở vùng đệm VQG như Jang Lành, Đrăng Phôk hay Buôn Đôn tìm hiểu văn hóa đặc sắc của người Êđê, M’nông hay người Việt gốc Lào ở đây.
Trong tháng 2 – 3 vừa qua, nhóm nhiếp ảnh gia gồm Ngô Vũ Thắng, Võ Rin và Nguyễn Thùy Linh đã thực hiện nhiều chuyến trải nghiệm săn ảnh các loài chim tại Yok Đôn.
Nguồn: Huỳnh Phương (https://vnexpress.net/)