Trước thềm các phiên đàm phán quan trọng về Hiệp ước ô nhiễm nhựa của Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 5 – đầu tháng 6 tới, WWF kêu gọi lệnh cấm toàn cầu đối với các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần “có hại và không cần thiết”, chẳng hạn như thuốc lá điện tử, dao kéo nhựa và vi nhựa trong mỹ phẩm…
Đây là các sản phẩm nhựa thuộc nhóm có thể giảm hoặc loại bỏ đáng kể trong thời gian ngắn, theo các báo cáo do WWF uỷ quyền cho Viện Eunomia vừa công bố.
Cần thống nhất toàn cầu các quy tắc giải quyết rác thải nhựa
Các báo cáo đã phân loại sản phẩm nhựa thành các danh mục lớn dựa trên rủi ro ô nhiễm. Nhận thấy mối quan hệ phức tạp, liên thông và lan toả rộng rãi của các sản phẩm nhựa trong đời sống xã hội, báo cáo cũng xem xét mọi hậu quả không mong muốn về môi trường, sức khỏe và xã hội của việc loại bỏ hoặc thay thế một số loại nhựa nhất định.
Vào tháng 11/2022, kết quả khảo sát của WWF với 20.000 người chỉ ra rằng, 7/10 người ủng hộ các quy tắc toàn cầu để chấm dứt ô nhiễm nhựa. Điều này cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hiệp ước nhựa nhằm tạo ra các quy tắc toàn cầu ràng buộc đối với tất cả các quốc gia, thay vì một thỏa thuận tự nguyện nơi các chính phủ có thể lựa chọn có hành động hay không.
Khi Thỏa thuận được thông qua, WWF kêu gọi việc ngay lập tức ban hành lệnh cấm đối với các mặt hàng nhựa không cần thiết có trong khăn ướt, đầu lọc thuốc lá, túi trà; các mặt hàng sử dụng một lần như dao kéo nhựa, đĩa, cốc, bông ngoáy tai và thuốc lá điện tử dùng một lần, vi nhựa trong kem đánh răng và mỹ phẩm cũng như một số sản phẩm khác.
Trong thời gian các lệnh cấm ngay lập tức là chưa khả thi, ví dụ đối với một số bao bì thực phẩm và đồ uống dùng một lần, nhựa PPE hay lốp xe… Hiệp ước nên đưa ra các biện pháp loại bỏ dần dần theo giai đoạn, chậm nhất vào 2035, với các mức thuế và các công cụ tài chính khác để giảm nhu cầu sản xuất và sử dụng, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn để giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng nhựa.
Đối với những loại nhựa không thể dễ dàng loại bỏ, việc quản lý và lưu thông an toàn nên được ưu tiên theo các mục tiêu, tiêu chuẩn và yêu cầu tối thiểu về thu gom, tái sử dụng, tái chế, thải bỏ và xử lý, cũng như cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – với chi phí cuối vòng đời được bao gồm trong giá của sản phẩm, và chương trình đặt cọc – hoàn trả. WWF tin rằng cần phải hỗ trợ hiệu quả các quy định ở cấp độ toàn cầu, thay vì tạo ra quy định pháp lý cho các mặt hàng nhựa riêng lẻ, vừa phức tạp vừa có thể tạo ra những kẽ hở tiềm ẩn trong việc quản lý.
“Chúng ta bị mắc kẹt trong một hệ thống mà hiện tại đang sản xuất một lượng nhựa vượt quá khả năng xử lý của bất kỳ quốc gia nào, dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến môi trường và xã hội” – Marco Lambertini, đại diện của WWF cho biết. Nếu các quốc gia không hành động ngay bây giờ, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Theo tốc độ hiện nay, đến năm 2040, lượng nhựa sản xuất sẽ tăng gấp đôi, lượng nhựa bị rò rỉ vào đại dương sẽ tăng gấp 3 và tổng lượng ô nhiễm nhựa trong đại dương sẽ tăng gấp 4 lần.
“Chúng ta không thể cho phép điều này xảy ra. Ô nhiễm nhựa là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu. Các nhà đàm phán cần chú ý đến hướng dẫn trong báo cáo này và cùng nhau để tạo ra một hiệp ước với các quy tắc toàn cầu ràng buộc toàn diện và cụ thể có thể xoay chuyển cuộc khủng hoảng nhựa” – ông Marco Lambertini nhấn mạnh.
Báo cáo chỉ ra, hầu hết lượng tiêu thụ và sử dụng nhựa thuộc về các nước có thu nhập trung bình và cao. Với đặc tính rẻ và linh hoạt, với vô số ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp, gần một nửa lượng nhựa được sản xuất ra được sử dụng trong các sản phẩm dùng một lần hoặc ngắn hạn, có thể mất hàng trăm năm để phân huỷ. Nghiên cứu chỉ ra rằng, năm 2015, 60% tổng số nhựa từng được sản xuất đã hết hạn sử dụng và trở thành rác thải. Lượng nhựa tái chế chiếm chưa đến 10% sản phẩm nhựa trên toàn cầu.
Nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp, từ cấm các vật dụng bằng nhựa như túi nilon, ống hút, đến các hạt vi nhựa trong mỹ phẩm hoặc thực phẩm và đồ uống sử dụng một lần. Nhưng nỗ lực riêng lẻ là chưa đủ. Các giải pháp cần dựa trên quy tắc thống nhất trên toàn cầu, tạo ra sự khác biệt trên quy mô lớn và một sân chơi bình đẳng cho các quốc gia và doanh nghiệp.
Hướng tới kinh tế tuần hoàn
Đại diện WWF khẳng định: Không có lý do nào để giữ lượng lớn sản phẩm nhựa một lần lưu thông trên toàn cầu trong khi con người đã quá rõ ràng những tác hại của chúng, như làm tắc nghẽn nguồn nước, ô nhiễm đại dương và xâm nhập vào trong chuỗi thực phẩm.
Các ngành công nghiệp đã có nhiều công nghệ trong tầm tay để tạo ra các giải pháp thay thế bền vững hơn. Các quốc gia cần các quy định và những ưu đãi để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, bắt đầu sự đổi mới và thúc đẩy thương mại dành cho các giải pháp thay thế bền vững.
Mặc dù đã có các quy định và giải pháp tự nguyện ở cấp quốc gia, nhưng chừng đó là chưa đủ để ngăn chặn nhựa thất thoát ra môi trường ở một điểm, và di chuyển tới một điểm khác cách đó hàng trăm thậm chí hàng nghìn ki-lô-mét. Nhựa sử dụng một lần, vi nhựa và thiết bị đánh cá bị thất lạc hoặc bị vứt bỏ – còn gọi là “ngư cụ ma” – hiện đang góp phần lớn vào ô nhiễm nhựa đại dương.
“Nhiều cộng đồng không có đủ cơ sở hạ tầng để đối phó với rác thải nhựa xâm nhập môi trường sống của họ, trong khi chính phủ cũng không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ thu gom. Vì vậy, các cộng đồng này phải tự quản lý chất thải, có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến sức khỏe của họ” – Zaynab Sadan, Điều phối viên chính sách về nhựa của WWF tại Châu Phi cho biết.
Loại bỏ nhựa sử dụng một lần không cần thiết và có rủi ro cao là bước đầu tiên hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và công bằng hơn. Nhưng hiệp ước phải đảm bảo công nhận và cân nhắc tới những người có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm, chẳng hạn như nhóm lao động thu gom rác thải phi chính thức. Các cuộc đàm phán ở Paris là một cơ hội không thể bỏ qua để đưa ra các biện pháp toàn cầu có thể giúp chúng ta tránh xa tư duy sử dụng một lần – một nguyên nhân thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu và môi trường – đồng thời hướng chúng ta tới việc phục hồi và sống hài hoà hơn với thiên nhiên.
Sau phiên họp đầu tiên của Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC) vào năm ngoái, các phái đoàn tham gia đàm phán giờ đây cần phải bổ sung chi tiết nội dung của văn bản hiệp ước để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa một cách hiệu quả và công bằng nhất.
Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường.