Thời gian qua, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình diễn biến tài nguyên thiên nhiên và môi trường, an ninh, trật tự trong khu vực, đặc biệt tại phân khu bảo vệ thuộc VQG Xuân Thủy (vùng bất khả xâm phạm).

Lực lượng Kiểm lâm tăng cường phối hợp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Đoàn Phòng.
Tăng cường bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quan trắc, giám sát chim hoang dã, chim nước di cư. Đơn vị đã tham gia ngày hội kiểm đếm loài Cò thìa trên thế giới tại khu vực và đã ghi nhận được hàng chục cá thể Cò thìa, Cò thìa Á Âu và hàng nghìn cá thể chim nước khác di cư về khu vực VQG Xuân Thủy, tiêu biểu như loài Chắt mỏ thẳng đuôi đen, Chắt mỏ cong lớn, các loài họ Vịt, Rẽ trán trắng ghi nhận với số lượng lớn; giám sát, nắm thông tin về tài nguyên chim định cư và tránh nóng tại khu vực. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải tổ chức tái thả vào tự nhiên hàng trăm cá thể chim như: Vạc, cò ngàng nhỏ và diệc xám, được tịch thu từ hoạt động săn, bắt, bẫy trái phép trong nội đồng. Sang đến mùa chim di cư trú đông 2024-2025, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã ghi nhận nhiều loài chim nước di cư theo đàn về như loài Cò thìa, Choắt mỏ thẳng đuôi đen, Choắt mỏ cong lớn, Choắt mỏ cong bé…
Vườn Quốc gia Xuân Thủy phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Lạt, UBND xã trên địa bàn triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền, đấu tranh xử lý các hành vi bị cấm trong hoạt động khai thác thủy sản tại Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức hội nghị tuyên truyền bảo vệ tài nguyên môi trường, xây dựng và ban hành thông báo về việc nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân làm nghề khai thác thủy sản bằng ngư cụ bị cấm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Nhìn chung an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo, hoạt động du lịch tham quan VQG được tổ chức an toàn.