Trong nghiên cứu về các loại thuyền hiện đang sử dụng đưa du khách vào thăm động Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Đặng Thanh Dệ và các cộng sự thuộc Công ty liên doanh Vina Siam đã thấy hiện tại trên dòng sông Son có 316 thuyền phục vụ khách tham quan Động Phong Nha và các thuyền này đều dùng động cơ diezel, đặc biệt nhiều thuyền động cơ quá cũ nát.
Tính sơ bộ một động cơ Diezel có dung tích làm việc của xi lanh là 0,4 lít (400cc) và số vòng quay của động cơ 1.800 vòng/1phút. Một giờ động cơ thải ra môi trường hơn 43m3 khí CO2, mà một vòng đưa du khách tham quan động, qua máy nổ phải làm việc trong 1,5 tiếng đồng hồ, một ngày trung bình một thuyền phục vụ một chuyến, thuyền thải ra môi trường một lượng khí CO2 là 64,5m3 CO2. Giả sử tất cả các thuyền đều hoạt động trong ngày thì 316 thuyền này thải ra môi trường một lượng khí như vậy thì lượng CO2 thải ra là 20.382m2/ngày cho khu vực tham quan này.
Bên cạnh đó, số động cơ Diezel này trong quá trình hoạt động phải sửa chữa, thay dầu nhờn đã thải ra môi trường nước một lượng dầu mỡ khá lớn khiến cho nước ở đầu nguồn sông Gianh ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Đồng thời, động cơ Diezel lắp trên các thuyền khi hoạt động tạo ra tiếng nổ lớn gây ra rất nhiều tác hại như tạo nên sự cộng hưởng vật lý làm cho các khối đá ở hang động bị rạn nứt và có thể rơi xuống gây nguy hiểm cho khách du lịch;Tiếng máy nổ lớn làm cản trở hoạt động giao tiếp giữa khách tham quan và hướng dẫn viên du lịch, gây khó chịu cho mọi người; Tiếng ồn còn làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh vật sống quanh hang động, một số loại thú do hoảng sợ đã di cư đi chỗ khác làm mất khung cảnh thiên nhiên hoang dã.Đó là chưa kể đến việc đóng thuyền phải dùng rất nhiều gỗ, cùng với thời gian thay hỏng, sửa chữa cũng phải dùng đến vật liệu này, ảnh
hưởng đến hệ sinh thái rừng đầu nguồn sông Son.
Trước thực tế này, các kỹ sư của Công ty liên doanh Vina Siam đã sáng chế ra một loại thuyền thân thiện với môi trường, để du khách khi đến thăm nơi đây gần gũi hơn với thiên nhiên, đồng thời thay thế các loại thuyền cũ đang vận chuyển khách tại rất nhiều khu du lịch của Việt Nam hiện nay. Đây là loại thuyền có vỏ làm bằng chất liệu Composit, một loại vật liệu mà thế giới đang sử dụng và khuyến khích sử dụng, nó thay thế được lượng gỗ lớn bị chặt phá trên mà tuổi thọ lại cao, độ bền lớn giá trị đầu tư thấp. Trên thuyền được gắn một động cơ điện một chiều sản xuất tại chính công ty, thay thế cho động cơ diezel nói trên với những ưu điểm như sử dụng năng lượng mặt trời, ắc quy, không gây tiếng ồn… Các pin mặt trời được thiết kế trên mui thuyền nên tận dụng được tối đa nguồn ánh sáng và không làm ảnh hưởng đến không gian của thuyền. Thông qua hệ thống ắc quy nguồn năng lượng được cung cấp từ pin mặt trời sẽ phục vụ động cơ điện hoạt động. Đây là nguồn năng lượng mà các tổ chức năng lượng sạch trên thế giới khuyến cáo nên dùng và khai thác.
Công suất lớn và sử dụng nguồn một chiều thông qua hệ thống đảo chiều nên thuyền có thể tới, lùi và dừng lại khi khẩn cấp, tránh được tai nạn khi va chạm các thuyền với nhau. Mặt khác hệ thống đảo chiều giúp cho thuyền viên có thể dễ dàng tháo gỡ rong rêu ở chân vịt – một vấn đề mà người dân đang gặp phải mà chưa có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, do dùng hệ thống ắc quy nên chiếu sáng bằng đèn pha khi vào hang hoặc phục vụ cứu hộ cứu nạn mùa mưa bão; các đêm lễ hội có thể dùng hệ thống đèn LED, đèn compac để thắp sáng, trang trí hoặc quảng cáo, phục vụ lễ hội.
Một điểm đáng lưu ý của loại thuyền này so với thuyền gỗ là sử dụng hệ thống phao cứu sinh hiện đại, đảm bảo an toàn và tiện lợi. Đó là những chiếc phao được thiết kế bằng một túi hơi và một bình khí nén nhỏ, tất cả được xếp gọn trong một hộp nhỏ với thể tích khoảng 70cc. Khi cần thiết chỉ cần ấn nút khẩn cấp hệ thống phao sẽ bung ra và bơm đầy khí với thể tích gấp 150 lần thể tích ban đầu.
Hiện nay, Công ty liên doanh Vina Siam đang hợp đồng với dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông tại Quảng Bình sản xuất thử nghiệm 2 thuyền với giá trị 70 triệu đồng/thuyền, sau đó tổng kết đánh giá và sản xuất thay thế toàn bộ thuyền du lịch đang hoạt động tại Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng. Khách du lịch ngồi trên chiếc thuyền này sẽ cảm nhận như được gần gũi với thiên nhiên hơn.
Đặc biệt là du khách nước ngoài thường tìm đến các sản phẩm, du lịch thân thiện với môi trường. Đề án này sau khi thực hiện thành công sẽ là giải pháp để triển khai thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi khác trong cả nước như Chùa Hương, Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang, Vũng Tàu… và có thể áp dụng vào chế tạo các loại thuyền phục vụ vui chơi giải trí, phục vụ đưa đón hoặc sinh tại các bến đò ngang, đò dọc…
Nguồn:Báo An ninh Thủ đô